Contact

Contact Us: chu.duong@gmail.com

6/30/2011

NHỮNG NGÀY HỌC DƯỢC

NHỮNG NGÀY HỌC DƯỢC
Hồng - Nhung
Thương tặng người bạn của môt thời học Dược
Cũng là có duyên số với trường Dược hay sao nên tôi đã chấp nhận chọn ngành Dược trong khi tôi không biết gì về ngành nầy. Khi học trung-học Gia-long, lúc đỗ bằng trung-Học Đệ Nhất Cấp rồi, tôi đã có ý nghĩ chọn ban C về văn - chương, mộng sau nầy thành nhà văn hay ký-giả, được sống theo ý mình, được rày đây mai đó và được viết chân thực những gì mình mang nặng trong lòng.
Đem ý-định nầy ra bàn với mẹ tôi, mẹ tôi thất vọng thở dài" Đời nhà văn khổ lắm con ơi, nhất là con gái! Hơn nữa lâu lâu viết được một bài thì lấy gì để nuôi thân". Suy nghĩ lại, tôi thấy lời mẹ tôi có lý, chưa chắc gì với mớ văn chương non nớt của mình, tôi sẽ có đủ sức để tạo cho gia-đình tôi đời sống ấm no sau nầy.
Tôi thích là một chuyện, nhưng có đủ tài làm hay không là việc khác. Hơn nữa, mẹ tôi một mình goá bụa thưở ngoài 30, không tái giá để nuôi ba con thơ dại, không chú ý đến lời ong bướm bên ngoài để tận tụy vì con, tôi không thể chỉ nghĩ cho riêng tôi mà phải nghĩ đến việc làm ra tiền để cho gia-đình tôi có cuộc sống thoải-mái hơn.
- Như vậy, má thấy con nên chọn ban gì cho thích hợp?
- Đi ban A, sau nầy học Dược má thấy khá đó con! Con thấy bà Bình -Dân, tiệm thuốc Tây ở Thủ-Đức nầy không? Một mình một chợ, bà ngồi trong tiệm khoẻ re, khách đông cả ngày có hai ba người phụ.
- Nhưng học Dược là học cái gì con đâu có biết?
- Thì học cái chi má đâu rõ vì má chỉ học đến Diplôme thôi mà, nhưng biết là sau khi ra trường rồi, con có thể đi làm ở Viện Bào Chế thuốc ở Saigon hay con có thể mở tiệm như bà Bình Dân vậy. Nghe lời má học ban A đi con!
Tôi thao-thức một vài đêm, đi ngang nhà thuốc bà BD vài lần, vào tiệm mua Solutricine ngậm đau cổ, quan sát không khí trong nhà thuốc, khách hàng ra vô không ngớt, bà BD vui vẻ chiều khách, mấy cô bán hàng rất lịch-sự... À! Thì ra mẹ mình nói cũng có lý, làm việc với khách hàng có vẻ cũng thú vị, nhất là khi tôi nghe bà BD giải thích cách dùng thuốc cho mấy bà khách hàng có vẻ không biết chữ i-tờ nào. Quay lại tôi, bà hỏi:
- Cưng có cần hỏi gì không?
Có lẽ bà quen với má tôi nên bà gọi tôi là cưng chăng? Dù sao tôi vẫn cảm thấy rất mát lòng nghe tiếng "cưng" ngọt ngào của bà. Tôi chỉ biết bẽn lẽn, lí nhí:
- Dạ thưa không.
Thế là tôi quyết định chọn ban A, ghi danh vào đệ tam A với giấc mộng sau nầy sẽ theo học ngành Dược, sẽ ra trường sẽ mở tiệm thuốc Tây như bà BD và sẽ nhờ mẹ tôi ngồi ở quày thu tiền, chứ không để mẹ tôi đi dạy học cực khổ nữa.
Đó là giấc mộng con tôi bắt đầu xây trong lòng.
Trong thời gian học đệ nhị cấp ở Gia-Long, nhà trường có chọn tôi dự thi văn chương toàn quốc vào ngày lễ Phụ Nữ Hai Bà Trưng do bà Ngô Đình Nhu tổ-chức. Thí-sinh gồm có học-sinh từ trường Đồng-Khánh (Huế), Trưng-Vương (từ Bắc di-cư vào Nam), Gia-Long, và từ trường ở Cần-Thơ lên. Ban C Gia-Long cũng có vài chị được chọn đi thi. Tôi đi thi nhưng lòng không hy vọng, vì người Huế, Bắc thường có khuynh hướng lỗi lạc về văn chương. Hơn nữa, người ban C đi thi cùng với người ban A thì người ban A chắc khó mà thắng cuộc.
Cuộc thi được tổ-chức tại trường Gia-Long với đề tài: "Người phụ-nữ trong gia đình và ngoài Xã-hội". Tôi không biết có mãnh lực gì đã giúp tôi viết miên man trên giấy, dòng tư tưởng cứ trào ra không dứt dù tôi không làm giấy nháp. Lúc đó hình như tôi không còn là tôi mà như ai nhập vào tôi vậy. Cuối cùng, có lẽ"Chó ngáp phải ruồi", tôi là người duy nhất của trường Gia-Long được giải tư của cuộc thi. Giải nhất, nhì về tay Trưng-Vương của đất Bắc ngàn năm văn vật, giải ba và giải năm về tay Huế của đất Thần kinh. Tôi được sống những giây phút vui sướng bất ngờ, dù giải tư chẳng đem lại danh-dự chi cho trường.
Lúc đó mẹ tôi đã thuyên chuyển về Saigon sau khi bà thi đỗ bằng Thanh Tra tiểuhọc. Bà không còn đi dạy nữa, mà làm ở Nha Tiểu-Học, đi xét các giáo viên ở Đô thành. Bạn đồng nghiệp của bà là bác thanh tra H. mở tờ tuần báo "Văn Nghệ Học Sinh". Bác mời tôi viết bài mỗi tuần cho bác. Khi thì làm thơ con cóc, khi thì viết ít phóng sự, thực thì ít mà giả tưởng thì nhiều hơn, lúc thì trả lời thư tín cho các em học sinh với vài bút hiệu khác nhau : Viễn-Phương cho vai nam, Thiều-Dao cho vai nữ. Thư từ học sinh gửi đến xin làm em, nam học sinh không biết bao nhiêu tuổi mà cả gan xin làm anh cũng khá đông, cứ cuối tuần là tôi đến tòa soạn nhận thư về cả đống. Tôi nghĩ chỉ cốt làm cho vui, ai ngờ đâu, mỗi tháng bác H. đều bỏ bao thơ cho tiền nhuận bút, có tháng 100$, có tháng 200$ tùy theo báo bán chạy hay không. Làm chung với tôi là mấy anh học Văn khoa sắp ra trường. Trong toà soạn, tôi chỉ là con tép riu trong dòng nước nhỏ giữa đám tôm càng. Thế mà tôi lại mê làm báo mới chết, đêm nào cũng thức khuya viết bài. Tôi tự nhủ, muốn đỗ ban A mà cứ lo chuyện viết báo thì có thì giờ đâu để học bài. Tôi tự kềm chế mình, nhưng trong lòng tôi buồn dào-dạt, nghĩ sao đời khổ thế, muốn một đằng nhưng vì cuộc sống mà phải đi nẻo khác. Tôi xin bác H. cho tôi gửi bài thưa hơn vì ngày thi Tú Tài 2 đã gần kề, bác gật đầu thông cảm.
Thế rồi nhờ cố gắng hết sức mình, tôi đã qua đoạn đường Tú-Tài một cách êm xuôi, trôi chảy. Tôi đỗ Tú Tài ban khoa học với hạng Bình thứ, trong khi lòng mình vẫn còn lưu luyến nợ văn chương. Mẹ tôi bắt đầu lo lắng chuẩn bị cho tôi những ngày học Dược. Đầu tiên là phải tìm ra một nhà thuốc Tây chịu nhận mình đi thực tập. Mẹ tôi đâu có quen Dược sĩ nào ở Saigon, bà lặn lội ngược xuôi cả mấy tháng mới tìm được một bà bạn cũ ở Thủ Dầu Một, tôi gọi là Dì Chín. Dì hình như có bà con với nhà thuốc Nguyễn Chí đường Tự-Do, dì dẫn mẹ con tôi đến giới thiệu và hên quá tôi được nhận vào làm Stage ở đó. Thời-gian đầu rất khó khăn với tôi, vì tôi học chương trình Việt ở Gia-Long, dù hồi xưa tôi đã học Pháp văn từ lớp ba trường tiểu học. Pháp văn ở GL thì đuợc xem là sinh ngữ hai, khi vào Dược thì toàn tiếng Pháp. Đọc bài thì cũng không khó lắm vì đọc thì tôi hiểu hết, chữ nào khó thì tìm tự điển, nhưng khi đối đáp với thầy thì không quen, trong khi các bạn từ Marie Curie sang nói líu lo như gió. Thế nhưng lòng đã dặn lòng, tôi không nhụt chí, học ngày học đêm, rồi rốt cuộc tôi đã được tuyển vào năm thứ nhất Dược khoa. Năm thứ nhất học toàn tiếng Pháp, năm thứ hai, thứ ba bắt đầu chuyển ngữ sang tiếng Việt một số môn. Thầy Nguyễn-vĩnh-Niên, thầy Tô-Đồng, thầy Nguyễn- mạnh-Hùng, thầy Phùng-trung-Ngân.. nếu tôi nhớ không lầm là những giáo-sư tiên phong trong thời-gian chuyển tiếp nầy. Càng học tôi càng vui vì cảm thấy mình không bị học mà mình thích học, như khám phá ra một chân trời mới đầy cỏ lạ hoa thơm.Tôi bắt đầu yêu Dược-Khoa từ đó. Trong khi tôi học năm thứ nhất thì các anh trên 1,2 lớp bắt đầu làm báo Xuân. Tôi xem thông báo mời các bạn tình nguyện viết bài đăng báo dán ở trường, và viết hai bài đóng góp: một bài thơ con cóc và một bài Tùy Bút. Tôi gửi cầu may mà được ban báo chí nhận đăng cả hai bài. Sau đó tờ nguyệt san Đất Sống ra đời, các anh trong ban báo chí mời tôi đi họp để bầu ban biên tập. Nếu tôi nhớ không lầm thì anh Vũ-văn-Tùng làm chủ bút, và trong ban biên tập còn có các anh Nguyễn-văn-Ta, Bùi-Khiết, Nguyễn-thu-Giao, Nguyễn-văn-Hoàn, Lưu-văn-Vịnh, Lê-phục-Thủy, Nguyễn-đức-Vinh. ...và chỉ có tôi là người con gái duy nhất.
Các anh đề nghị tôi làm thủ-quỹ và tôi đãnhận lời. Lúc sau nầy có vài chị gia nhập làm báo nên ban báo chí mới có bóng hồng vô ra. Suốt mấy năm dài dù bài học không hết nhưng tôi vẫn mỗi tháng ráng thả ra vài dòng tâm sự, tuy chẳng hay ho gì nhưng cũng làm lòng tôi ấm lại, nghĩ là mình vẫn còn có dịp lưu luyến với thơ văn.
Vào giờ thực tập Botanique với thầy Trương Bá Trước, tôi vào trễ vì kẹt xe, bạn bè đã ngồi vào bàn vặn kính hiển-vi cả rồi, trong khi thầyTrước đang giảng bài trên bảng. Tôi hoảng hồn, đó là ngày thực tập đầu tiên, tự mình phải kiếm chỗ ngồi, và sau đó không được đổi thay. Tôi đi lang thang từ ngoài vô trong, đứng ngơ ngác tìm chỗ thì bỗng nghe tiếng mời gọi:
- Chị ơi! Đây có ghế trống nè!
- Cảm ơn anh, tôi lí nhí kéo ghế ngồi xuống, nhìn lại bên trái tôi là anh bạn tôi chưa quen và cũng chưa biết tên, bên phải tôi là chị BV mà tôi đã biết qua rồi, nhưng chị không mời gọi.
Tưỡng việc mời gọi chỉ chỗ ngồi qua rồi thì thôi, không ngờ đó lại là giờ thực tập định mệnh!!! Lúc ngồi học gần anh, tôi không nói chuyện với anh mà chỉ nói chuyện nhiều với chị bạn ngồi bên, và thỉnh thoảng nhờ anh chỉnh dùm kính hiển-vi, vì có hôm bị kẹt, không hạ xuống hay nâng lên được, có lẽ vì quá cũ.
Quen biết như vậy chừng độ tháng sau, anh xin địa chỉ để đến nhà chơi, lúc đầu cỡ một tuần một lần, sau đó 2, 3 lần rồi 4, 5 lần để dò bài và ôn bài thi với nhau. Mẹ tôi rất khó, có nhiều lần bà ngồi đọc báo ở bàn bên cạnh nhưng tôi biết là bà đang làm CIA quan sát anh chàng nầy. "Nó người Bắc mình người Nam, người Bắc rất khó, gặp người Nam thì dễ dàng hơn. Nó quá ít nói, ai biết trong bụng nó nghĩ gì? Biết đâu trước khi vô nam, nó đã có vợ ngoài bắc vì ngoài đó có tục tảo hôn, con trai cưới vợ hồi 5, 7 tuổi, vợ cỡ 15, 20 lo săn sóc chồng như người ở, tắm rửa, lo dưng cơm hầu nước, rồi khi thằng con trai tới tuổi trưởng thành, đi cưới vợ trẻ và đuổi con vợ già đi. Sau nầy khi bình yên biết đâu vợ nó sẽ vô đi nam kiếm nó..." toàn là những chuyện trên trời dưới đất mà tôi phải nghe lập đi lập lại trong những buổi cơm, tôi chỉ cười và nói:
- Có chi đâu má, tụi con là bạn học với nhau thôi mà, ảnh đến học bài chung để ôn thi. Con chuyện tảo-hôn là chuyện xưa như trái đất, hồi vua Minh-Mạng còn đi làm làng!!! Gia-đình ảnh sống theo văn-minh chứ đâu có hủ lậu như thế đâu!
- Sao mà lại kiếm con gái ôn bài, sao không ôn với con trai?
Tôi vừa tức bực vừa bật cười:
- Tại con còn kém, có nhiều chỗ con không hiểu nên ảnh đến để giúp con nhiều hơn là lo cho ảnh. Tôi nói đại thế mà mẹ tôi làm thinh. Tôi bực mình những vẫn hiểu mẹ tôi thương tôi nên lo từng giây từng phút.
Chưa bao giờ chúng tôi được phép đi chơi riêng, dù đã mấy năm trường, chỉ trừ mấy kỳ thi thực tập cả ngày trong bệnh viện Hồng-Bàng, anh mượn xe hơi ở nhà anh, xin mẹ tôi chở tôi đi thi bà cụ mới bằng lòng.
Rồi khi tốt nghiệp cùng ngày cùng khóa, anh xin phép mẹ tôi đưa gia-đình anh đến làm quen, ngày qua ngày bà cụ cũng thay đổi dần cảm nghĩ. Thế là sau tiểu đăng khoa thì đến giờ định mệnh của ngày đại đăng khoa, tôi đã theo anh lên xe hoa trong xác pháo hồng rộn-ràng trước ngõ.
Khi ra trường rồi, tôi đi làm cộng tác với nhà thuốc khác vài năm, sau đó vợ chồng lo gom nhóp tiền bạc, thế chấp nhà cho ngân hàng để tự mở nhà thuốc cho mình. Những ngày làm việc với khách hàng đã để lại trong lòng tôi nhiều kỷ-niệm khó quên. Người giàu đến mua thuốc nhiều đã làm cho nhà thuốc tôi vững chải, nhưng người nghèo khổ mới để lại lòng tôi nhiều vương vấn, ngậm ngùi.
Bệnh không có tiền đi bác sĩ, mua thuốc từng dăm ba viên sao cho tạm đỡ thì thôi, bị bệnh lao uống Rifadin mà chỉ uống chừng vài bửa trong khi toa BS bắt phải uống một tháng rồi trở lại tái khám, tới nỗi tôi đề-nghị cho mua chịu để uống cho đúng liều lượng và trả góp dần dần, còn bớt cho 10% thay vì tính tiền lời mua chịu. Xã-hội VN quá nghèo nàn, người dân mình ít học, không có kiến-thức về khoa - học, bị tiểu đường phải uống thuốc Diabinèse mà vẫn ăn chè, ăn khoai lang, khoai mì cả tô!!! Mua 1, 2 viên Cortancyl để uống mỗi ngày sau khi đi bán dạo về để được ăn ngon, mập mạp. Tôi phải vừa làm Bác sĩ bảo không nên uống thứ nầy thứ nọ, nên kiêng ăn món nầy món kia.
Có người đến nhà thuốc khai bệnh có mũ ở bộ phận sinh dục một cách e-dè, tôi nghiêm mặt bảo khai thật tôi mới giúp được, sau khi biết là anh nầy thường đi khu Gò Vấp xóm chị em ta, tôi bảo có thể là anh ta bị hoa liểu, nên đi khám BS ở viện Hoa liểu. Anh ta đem toa về, phải chích Penicilline. Bà vợ ốm yếu xanh xao, đi hầu như lết lết, có vẻ cáng náng khó chịu, tôi khuyên anh ta đưa bà vợ đi khám luôn, kết quả là bà vợ cũng bị chồng lây bệnh. Thế là tôi lại vừa giảng rõ bệnh lý cho 2 ông bà, vừa gặp riêng anh ta khuyên nhỏ là từ nay phải xá dài những nàng buôn hương bán phấn.
Lại có người hỏi thuốc nào phá thai vì không muốn đẻ nữa, có người giận chồng có nhân tình đi mua thuốc ngủ để tự tữ, dĩ nhiên là thay vì bán cho họ, tôi lại phải đóng vai trò của nhà"tâm lý học bất đắc dĩ" để khuyên họ đừng làm, đừng gây ra nghiệp. Một hài nhi dù chưa thành hình cũng là máu huyết của mẹ cha. Tự tử rồi bỏ con nheo nhóc, chúng mang thêm cảnh mẹ ghẻ còn khổ nữa, và ông chồng sẽ rất mừng khi vợ chết, đó là cơ hội ngàn vàng của đàn ông để rước người đàn bà khác thế chỗ vợ mình, như vậy là mình giúp giáo cho giặc, hổ trợ cho kẻ cướp chồng mình, và giúp người đó cười trên chiến thắng, trên cái xác của mình, một kẻ chiến bại. Từ từ rồi tính sau, bây giờ khoan nghĩ đến chuyện tự tữ để mình được sáng suốt. Vài tuần sau, thấy 2 vợ chồng giung-giăng giung giẻ nắm tay nhau đi ngang nhà với mấy đứa con, tôi nhìn cô ta cười, cô ta bèn ghé vô tiệm nói nhỏ:
-"Ảnh bảo là ảnh bỏ con kia rồi vì nó đi ngủ lang bang hết thằng nầy đến thằng nọ, chị đừng nói gì với nhà em là em ra đây mua thuốc nghe!!"
- Cô yên chí, tôi giúp ai thì giúp chứ không bao giờ gây thương tổn hạnh phúc cho ai đâu. Xin chúc mừng cô nhé! Hôm nay trông tươi lắm, lại diện đẹp nữa, cứ tiếp tục làm đẹp lên đi!! Mấy con rồi mà trông vẫn còn xuân sắc lắm!
- Cảm ơn chị, cô ta bẻn-lẻn cười.
Tôi thầm nhũ trong lòng, cũng may là tôi không xúi cô vợ đi đánh ghen!! Sự thực khi thấy mặt ông chồng, tự nhiên tôi thấy anh ta là người nham nhở, si mê rất đáng ghét.
Tôi thầm thương cô ta, vì bám víu vô hạnh phúc gia-đình và tình yêu của chồng, cô thành người dễ tin để tự ru ngủ mình, để cảm thấy mình còn nắm lại một mảnh vụn hạnh phúc trong lòng bàn tay bé nhỏ. Cũng mừng cho cô là cô có được sự dễ tin đó, riêng tôi, tôi nghĩ rằng Bỏ hay không bỏ, nào ai biết được, chỉ có Trời, Phật biết và người gian phu dâm phụ là biết với nhau thôi!!!!!
Bún Bò Huế, Chè Đậu Nước Dừa, Bánh Trôi Nước....và nhiều món mà tôi học lóm được bí quyết nấu từ những người khách hàng buôn bán lam lũ của tôi để ngày nay tôi có thể nấu cho chồng con thưởng thức. Phải nói thời gian mở tiệm thuốc Tây là thời gian tôi được thấy tình người đối với tôi và tình tôi đối với người. Có một cái gì chan hòa yêu thương, dù cũng có những người tham lam làm điều sằng bậy, mua thuốc thực, đem về bỏ thuốc bậy vô rồi đem lại tiệm thuốc đòi tiền lại. Với những người như vậy họ đã bị u minh che lấp mất rồi, tôi chỉ nhịn, lắc đầu và hoàn tiền và chỉ niệm "Nam Mô A Di Đà Phật" trong lòng.
Khỏe ra như bà Bình Dân mà mẹ tôi tưỡng tượng ngày nào thì tôi không cảm được, chỉ thấy rằng tôi phải làm việc rất nhọc nhằn. Định đưa mẹ tôi ra ngồi thu tiền cho khoẻ để bà khỏi đi làm, tôi cũng không thực hiện được vì lúc đó mẹ tôi đã về hưu, bà cần có thì giờ đi đây đi đó chơi với mấy bà bạn già. Nuôi mẹ tôi cũng không nuôi được vì mẹ tôi có tiền hưu, các con đều có việc, tặng bà mỗi người một ít bà sống cũng thong dong.
Tóm lại tôi định đem sự học của mình để giúp mẹ tôi trong tuổi già sức yếu, tôi không có cơ hội để làm, mà chỉ dùng bằng cấp của mình để lo cho mái gia-đình riêng của mình. Qua bao nhiêu kinh nghiệm trong thời-gian học Dược và nhất là những kinhnghiệm sống thu thập được lúc hành nghề, tôi nghĩ rằng mẹ tôi đã hướng dẫn tôi đi đúng đường dù bà chưa bước qua ngưỡng cửa Đại học. Tôi ý -thức được rõ ràng rằng nếu tôi dùng văn chương yếu ớt của tôi, tôi sẽ không có chỗ đứng nào trong xã hội vì tôi không có một khả năng chuyên môn nào, chỉ biết viết theo cảm hứng. Từ khi lập gia-đình, lo bôn ba nuôi con, rồi đến những ngày mất nước, chồng đi học tập cải tạo rồi bị tù, bao đau khổ dập dồn đã đến với tôi. Tôi không còn khả năng cầm bút trong mấy chục năm, sợ rằng nét bút, lời văn ủy mị sẽ làm tôi không còn đủ sức đấu tranh với cuộc sống.
Tôi không hối hận vì mình đã bỏ đi sự chọn lựa ngành văn, và rất hài lòng sống trong nghề Dược. Mẹ tôi quả thực có mắt tinh đời. Tôi quả thực yêu nghề và mỗi lần giúp được ai chút việc, dù khi phải khuyên người ta đừng mua thuốc, tôi cũng cảm thấy lòng mình lâng lâng như ánh nắng ban mai phất phơ trên cành cây kẽ lá, tâm hồn như nở hoa vì không thẹn với lương tâm đã hướng dẫn người ta đúng đường mà không nghĩ đến phần tư-lợi. Tôi biết cái chủng-tử ngay thẳng thực thà đó có được từ ở người mẹ yêu quý của tôi và thầm cảm ơn bà đã cho tôi chủng tử thánh thiện đó dù bà rất nghèo, không cho tôi tiền bạc, châu báo như bao nhiêu bà mẹ giàu sang khác.
Delaware, tháng 11/2003
Hồng-Nhung*
(*) Tác giả là DS Hồng Nhung nay đã về hưu, chị là một thành viên của DĐDK, viết báo từ năm 18 tuổi với
bút hiệu : Thiều-Dao và Viễn Phương